(BaochiViet.com) – Cầu phao Phong Châu sáng nay vẫn chưa thể hoạt động trở lại. Nhưng lũ trên đầu nguồn sông Hồng đang giảm nhanh nên việc đi lại của người dân hai đầu cầu sẽ sớm phục hồi.
Sáng sớm nay, 2-10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lũ trên sông Thao (tức sông Hồng chảy từ Trung Quốc, vào Lào Cai về Yên Bái) đã đạt đỉnh lúc 23 giờ đêm qua, ở mức 31,71m, xấp xỉ báo động 3.
Dự báo trong ngày hôm nay, mực nước tại Yên Bái sẽ giảm nhanh, còn 30,3m vào lúc 13 giờ chiều, nhỉnh hơn báo động 1 một chút, và đến 1 giờ sáng mai, sẽ xuống sâu tới 22,8m, tức thấp hơn tới 1,2m so với báo động 1.
Người dân vùng trũng sát sông ở thành phố Yên Bái cho biết, chiều qua khu dân cư còn ngập nửa bánh xe máy thì đến sáng nay đã rút hết. Bà con bắt đầu phun rửa sân nhà, mặt đường, trở lại cuộc sống bình thường.
Cắt cầu phao trong điều kiện lũ về
Lũ sông Hồng đầu nguồn Yên Bái lên nhanh hôm qua đã khiến dưới hạ lưu khu vực cầu Phong Châu lên cao. Thông tin chi tiết với PLO, Đại tá Nguyễn Đăng Chiến, Trưởng phòng Tuyên huấn, Binh chủng Công binh cho biết vào khoảng 18 giờ 15 chiều qua, lưu tốc dòng chảy đã lên tới 3,1m/s. Nước lên cao khiến lòng sông ở vị trí hai đầu cầu phao dã chiến rộng thêm, lên 222m.
“Cầu phao chỉ có thể hoạt động an toàn ở lưu tốc nước 2m/s. Nên khi dòng chảy mạnh hơn, lại nhiều rác, vật nổi từ thượng lưu đổ về gây sức ép, lực lượng công binh phải cắt cầu. Tất cả đã được thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương để người dân chủ động chuyển hướng lưu thông”, Đại tá Chiến nói.
Theo đầu mối thông tin Bộ Tư lệnh công binh, lũ hạ du sông Hồng có độ trễ so với đầu nguồn, nên sáng nay, lưu tốc dòng chảy vẫn cao. Lực lượng kỹ thuật tiếp tục quan trắc, đo đạc, khi dòng chảy trở về mức cho phép sẽ ghép nối trở lại để cầu phao Phong Châu có thể tiếp tục phục vụ giao thông như kế hoạch đã thông báo.
20 ngày chuẩn bị
10 giờ sáng 9-9, cầu Phong Châu đổ sập xuống sông Hồng khi nước lũ đang lên nhanh. Ngay trong đêm đó, các phương tiện cơ giới của Lữ đoàn Công binh vượt sông 249, đóng quân rìa hồ Suối Hai, huyện Ba Vì, Hà Nội đã cơ động đến hiện trường.
Hiện trường ở đây không phải chỉ là nơi cây cầu kết cấu thép bị đổ sập, mà còn là bến phà cũ, xuôi dưới hạ lưu gần 400m.
Bến phà bị bỏ hoang nhưng thực ra là một dự trữ chiến lược của giao thông các tỉnh phía Bắc, qua QL32, vượt sông Hồng ở hai bờ huyện Đoan Hùng và Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Hai dốc xuống phà được đổ bê tông kiên cố nhằm có thể sử dụng khi xuất hiện tình huống bất ngờ.
Dù vậy, theo các cán bộ chiến sĩ công binh, kết quả khảo sát hôm đó cho thấy những trận lũ lụt hàng năm đi qua, rồi việc khai thác cát quá mức đã gây sói mòn, sạt lở rất lớn vào hai bên mố phà và đường dẫn, tạo thành những hàm ếch sâu, rộng.
Bắc cầu vượt sông mang tính chất quân sự thì yếu tố nhanh, bí mật là yêu cầu cao nhất. Chỉ cần ghép các đốt cầu, đảm bảo tương đối an toàn là đoàn xe cơ giới mạnh mẽ, tải trọng lớn của quân đội có thể nhanh chóng vượt qua, và kết thúc nhiệm vụ…
Nhưng đây là tình huống trong thời bình. Lại trong hoàn cảnh ảnh hưởng sau bão số 3, lũ sông Hồng những ngày tiếp đó lên cao, kéo dài. Dòng chảy tại vị trí cầu phao rất mạnh. Sạt lở hai mố phà lại nghiêm trọng như vậy, nên Lữ đoàn 249 cùng cán bộ kỹ thuật của Bộ Tư lệnh công binh và các cơ quan chức năng đã thống nhất phương án “đánh chắc tiến chắc”.
Yêu cầu là đảm bảo an toàn và sử dụng tương đối dài cầu phao dã chiến trong điều kiện phục vụ dân sinh cho đến khi cầu Phong Châu mới được xây dựng xong, đưa vào sử dụng, như đầu bài mà Thủ tướng đặt ra là trong năm 2025…
20 ngày sau đó, công binh đã vận chuyển, gia cố hơn 11.000 mét khối đá hai bên bờ bến để bảo đảm đường dẫn an toàn cho người và phương tiện lên xuống. Các yếu tố an toàn được tăng cường như tấm đệm giữa khe các đốt cầu, bổ sung lan can, ánh sáng, cọc tiêu, phân làn.
Và 90 phút lắp cầu dã chiến
Trong 20 ngày ấy, trên mạng xã hội xuất hiện không ít thông tin, bình luận sai lệch. Có ý kiến tỏ ra băn khoăn: “Thời bình làm tàng tàng 20 ngày xong, thời chiến làm kiểu này mất trắng trận địa luôn!”.
Song thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ là như vậy. Làm công tác tuyên huấn nhưng Đại tá Nguyễn Đăng Chiến cho biết rất khó để anh em công binh giải thích, nên tất cả tập trung lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ để chứng minh.
Sau quá trình chuẩn bị kỹ càng, sáng sớm 30-9, trong vòng 90 phút, Lữ đoàn công binh vượt sông 249 đã hoàn tất ghép cầu phao. Trong những ngày đầu này, xe ô tô tải trọng dưới 7 chỗ cùng các phương tiện thô sơ có thể qua lại đôi bờ Phong Châu, dưới sự hỗ trợ của công binh thường trực, một cách an toàn.
Gián đoạn cầu phao Phong Châu trong cơn lũ cuối mùa là bất khả kháng. Bản tin dự báo thủy văn dài hạn của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cho biết trong tháng 10 này, trên lưu vực sông Thao có thể xuất hiện 1-2 đợt lũ.
Đợt lũ xuất hiện hôm qua và kết thúc hôm nay cho thấy dự báo này chính xác. Còn nếu xuất hiện đợt lũ mới, thì với tính chất cuối mùa mưa lũ phía Bắc, sẽ ở mức độ yếu.
Cả miền Bắc hôm nay, với đợt không khí lạnh đầu mùa về, đã thực sự trong không khí khô ráo của mùa thu. Nước sông Hồng đoạn Phong Châu sẽ xuống thấp, đủ an toàn để cầu phao dã chiến hoạt động ổn định, lâu dài.
Nguồn: https://plo.vn/cau-phao-phong-chau-20-ngay-chuan-bi-cho-90-phut-post812946.html