Trong những năm qua, ngành tổ chức các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam đã trở nên sôi động hơn bao giờ hết với hàng loạt các cuộc thi hoa hậu, từ lớn đến nhỏ. Tuy nhiên, giữa “ma trận” các cuộc thi nhan sắc, khi khán giả có thể cảm thấy “bội thực” với sự xuất hiện dày đặc của những đấu trường sắc đẹp, ông Trương Tuấn, với cương vị là tổng sản xuất các chương trình hoa hậu, luôn biết cách tạo ra dấu ấn khác biệt, đưa các cuộc thi sắc đẹp trở thành những sự kiện được mong đợi và tôn vinh những giá trị bền vững.
Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với ông Trương Tuấn về con đường sự nghiệp, cũng như những chia sẻ thú vị về cách mà ông tạo ra ‘màu sắc’ riêng biệt cho các cuộc thi hoa hậu trong bối cảnh showbiz đang ngày càng xuất hiện nhiều cuộc thi sắc đẹp cạnh tranh gay gắt.
Nhà sản xuất Trương Tuấn – Người đứng sau các cuộc thi hoa hậu uy tín, góp phần phát triển nền nhan sắc Việt Nam
Chào ông Trương Tuấn, cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ. Điều gì đã thúc đẩy ông dấn thân vào công việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu?
Cảm ơn bạn. Tôi quyết định dấn thân vào công việc tổ chức cuộc thi hoa hậu vì tin rằng đó không chỉ là cơ hội để tôn vinh vẻ đẹp ngoại hình mà còn là sân chơi giúp các thí sinh phát triển toàn diện, khẳng định bản thân và đóng góp cho cộng đồng. Với sự phát triển nhanh chóng của thị trường hoa hậu ở Việt Nam, tôi muốn tạo ra những cuộc thi khác biệt, không chỉ chất lượng mà còn mang lại giá trị thực tế, bền vững cho thí sinh và khán giả.
Hiện nay, dư luận cho rằng, xã hội đang “lạm phát hoa hậu”. Là người tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu, ông nghĩ sao về nhận xét này?
Tôi nghĩ, không nên quá khắt khe với các cuộc thi hoa hậu. Là phụ nữ, ai chẳng mơ ước trở thành hoa hậu. Ngay cả trong gia đình hay công ty, phụ nữ luôn muốn mình trở nên đẹp nhất. Đó là một ước mơ tự nhiên và hoàn toàn lành mạnh, một phần của sự phát triển cá nhân. Nếu mình nghĩ một cách nghiêm túc, ước mơ để vươn tới cái đẹp, để mình đẹp hơn sẽ giúp người phụ nữ hoàn thiện hơn. Điều đó là không hề xấu. Các đơn vị có đủ năng lực sẽ tổ chức các cuộc thi hoa hậu quy mô lớn, trong khi những đơn vị ít tài trợ sẽ tổ chức cuộc thi ở mức độ nhỏ hơn. Tuy nhiên, dù quy mô như thế nào, điều quan trọng là họ làm công việc của mình một cách chu đáo, nghiêm túc. Chính vì vậy, những cuộc thi nhỏ vẫn xứng đáng nhận được sự tôn trọng và khuyến khích.
Với tầm nhìn và sự sáng tạo, Trương Tuấn không ngừng đổi mới, mang đến những chương trình hoa hậu chuyên nghiệp và ý nghĩa
Theo quan sát của tôi, đa phần các đơn vị tổ chức hoa hậu đều có mong muốn làm thật tốt công việc của mình. Đối với những người làm sự kiện, đó không chỉ là công việc mà là một phần sinh kế. Cũng giống như tôi, tổ chức sự kiện là cách để duy trì cuộc sống và mang đến giá trị cho cộng đồng.
Ông làm thế nào để chương trình của mình tạo được dấu ấn riêng biệt trong giới showbiz, đặc biệt về sự chuyên nghiệp và quy mô?
Mỗi chương trình tôi tổ chức đều mang một thông điệp rõ ràng, kết hợp giữa sắc đẹp và những giá trị thực tiễn như phát triển bản thân, giáo dục và từ thiện. Tôi chú trọng vào việc xây dựng một sân chơi chất lượng, không chỉ đào tạo thí sinh về ngoại hình mà còn giúp họ khẳng định bản lĩnh và trách nhiệm xã hội. Điều này giúp tạo nên sự khác biệt rõ rệt giữa các chương trình.
Chuyên nghiệp là yếu tố then chốt. Tôi luôn đảm bảo mọi khâu từ kịch bản đến đạo diễn đều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Chương trình không chỉ là cuộc thi mà còn là sự kiện nghệ thuật thu hút sự chú ý của truyền thông và khán giả. Việc lựa chọn thí sinh có câu chuyện truyền cảm hứng và đầu tư vào mối quan hệ với đối tác chiến lược giúp chương trình phát triển bền vững và trở thành thương hiệu.
Nói tới hoa hậu, người ta nghĩ ngay tới người đẹp, sự giàu có sau khi đăng quang. Vậy là nhà tổ chức, đào tạo các hoa hậu chắc lãi “khủng”?
Nhiều người nghĩ ngành tổ chức hoa hậu, giải trí là một ngành “lãi khủng” vì sự hào nhoáng bên ngoài, nhưng thực tế không phải vậy. Ngành này rất khó để giàu có, mọi thứ đều có giá của nó. Chẳng hạn, khi tổ chức một chương trình, tôi phải mua thời gian phát sóng trên đài, chi phí quảng bá, báo chí, tất cả đều công khai. Doanh thu sẽ được chia theo tỉ lệ, còn lợi nhuận thực tế thì rất ít.
Là “thuyền trưởng” những chương trình sắc đẹp, ông Trương Tuấn luôn chú trọng đến việc mang lại giá trị bền vững và sự công bằng cho thí sinh.
Mỗi khi tổ chức một cuộc thi, giá trị tài trợ sẽ được đầu tư vào các chi phí hậu cần rất lớn. Vậy nên, mình lãi nhiều nhất là từ việc xây dựng và duy trì mối quan hệ với khách hàng. Mối quan hệ lâu dài và sự tin tưởng đó mới là giá trị lớn nhất tôi nhận được, không phải là con số lợi nhuận từ một chương trình.
Ông gặp phải những thách thức nào trong công việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu và cách vượt qua chúng là gì?
Thách thức lớn nhất là duy trì chất lượng và sự hấp dẫn qua từng mùa. Áp lực từ cạnh tranh và kỳ vọng của khán giả là rất lớn. Để vượt qua, tôi luôn giữ đội ngũ sáng tạo, làm việc chăm chỉ và linh hoạt trong việc đổi mới, cải tiến liên tục. Lựa chọn thí sinh cũng là thử thách, nhưng tôi tin rằng sự kiên nhẫn và đầu tư đúng đắn sẽ mang lại kết quả tốt đẹp.
Tổ chức sự kiện hoa hậu, so với tổ chức sự kiện các lĩnh vực khác, cái nào khó hơn và khó hơn chỗ nào?
Tổng sản xuất Trương Tuấn trong một khoảnh khắc sáng tạo tại hậu trường, mang đến những sân chơi sắc đẹp nổi bật.
Tổ chức sự kiện hoa hậu rõ ràng là một thử thách lớn hơn so với các loại sự kiện khác. Đầu tiên, việc tìm kiếm tài trợ là một yếu tố vô cùng quan trọng và không phải lúc nào cũng dễ dàng. Sau khi có tài trợ, vấn đề tiếp theo là làm sao để nhà tài trợ cảm thấy giá trị họ nhận lại là thực sự xứng đáng. Để đạt được điều đó, chúng ta không thể thiếu một chiến lược sáng tạo mạnh mẽ, với những ý tưởng độc đáo, giúp nhãn hàng không chỉ được nhận diện mà còn gắn kết với các giá trị sâu sắc của cuộc thi.
Người ta đồn rằng trong các cuộc thi hoa hậu, có thể “cơ cấu” sắp xếp các giải, cái này đúng hay sai?
Tôi không thể nói về những cuộc thi khác, nhưng tại các cuộc thi hoa hậu do tôi tổ chức, chuyện “mua giải” là hoàn toàn không có. Tổ chức một cuộc thi hoa hậu là công việc của tôi, và tôi phải đảm bảo chất lượng sản phẩm mình làm ra. Nếu không tạo ra những chương trình tốt, tôi sẽ không có chỗ đứng trong ngành này.
Vậy nên, việc nói “mua giải” thực chất là nói “mua tôi”, mà tôi thì không bán, không bao giờ bán, vì bán giải có nghĩa là bán đi phẩm giá của chính mình.
Trong bất kỳ cuộc thi nào, không chỉ hoa hậu, người ta luôn đặt câu hỏi về việc có “mua bán giải” hay không. Tôi cho rằng đó là cách nghĩ tiêu cực. Tại sao không nghĩ về mặt tích cực, về việc những thí sinh xứng đáng nhất được vinh danh?
Cảm ơn ông đã dành cho baochiviet cuộc trò chuyện thẳng thắn, cởi mở này!
Nhóm TT